THÀNH TỰU NỔI BẬT NGÀNH TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG HẬU GIANG
Kết quả nổi bật của Sở Tài nguyên và Môi trường đạt được đến thời điểm hiện nay:
Hàng năm, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội giao cho ngành đều thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu; các chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành thực hiện thắng lợi, đạt 100% chỉ tiêu đề ra hàng năm. Với một số điểm nổi bật là:
-Hầu hết các lĩnh vực ngành đã có quy hoạch, là cơ sở quan trọng cho công tác quản lý, hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, bao gồm: quy hoạch sử dụng đất 3 cấp giai đoạn 2010 - 2020, đang triển khai lập quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030 và kế hoạch 2021 - 2025; Quy hoạch mạng lưới quan trắc đến năm 2020 (đang cập nhật quy hoạch đến 2030); Quy hoạch phân bổ tài nguyên nước mặt đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030; Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Quy hoạch quản lý và bảo vệ môi trường đến 2020; Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/BCT của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Quy hoạch bảo vệ môi trường đến 2020; tham mưu Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch 41-KH/TU ngày 08/8/2013 thực hiện Nghị quyết 24 của BCH Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng đến năm 2020 và những năm tiếp theo; chương trình hành động bảo vệ môi trường thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2020 - 2025; Sở đang triển khai thực hiện dự án Xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai tỉnh Hậu Giang …
- Hơn 60 văn bản quy phạm pháp luật về các lĩnh vực quản lý tài nguyên và môi trường được UBND tỉnh ban hành. Các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đúng trình tự, thẩm quyền, hợp hiến, hợp pháp và phù hợp với tình hình thực tế, cơ bản giải quyết được những vướng mắc của địa phương, đặc biệt là việc ban hành các cơ chế chính sách, các quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh.
- Các thủ tục hành chính được thực hiện nhanh gọn (công tác cấp giấy chứng nhận QSD đất, xác định giá đất cụ thể hiện nay đã rút ngắn hơn 30% thời gian so với năm 2016). Hiện nay, Sở đang thực hiện 82 thủ tục trên cổng dịch vụ công của tỉnh (trong đó có 75 thủ tục mức độ 2, 4 thủ tục mức độ 3 và 3 thủ tục mức độ 4); vận hành tốt phần mềm quản lý công việc, quản lý văn bản qua môi trường Internet, đã góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế xã hội của tỉnh phát triển.
- Sở đã tích cực, chủ động phối hợp với các Sở, ngành và địa phương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi, giao đất, cho thuê đất. Tính đến ngày 15/12/2020, ngành đã trình UBND tỉnh quyết định thu hồi khoảng 1.014,2 ha; cho thuê đất với diện tích khoảng 502,38 ha, chuyển mục đích sử dụng đất 261,97 ha. Việc giao đất, cho thuê đất được căn cứ vào quy hoạch đã được phê duyệt, đảm bảo đúng đối tượng, đúng vị trí, diện tích và phù hợp với các quy định của Nhà nước.
-Công tác xây dựng bảng giá đất 5 năm được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, đã tiến hành điều tra, khảo sát xây dựng bảng giá đất để UBND tỉnh trình HĐND phê chuẩn ban hành bảng giá đất trên địa bàn tỉnh theo quy định, phù hợp điều kiện thực tế địa phương.
- Kịp thời trình ban hành kế hoạch sử dụng đất cấp huyện hàng năm; danh mục công trình, dự án thu hồi đất lúa dưới 10 ha.
- Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã triển khai tất cả các đơn vị cấp xã trong tỉnh, tỷ lệ cấp Giấy chứng nhận trên toàn tỉnh đến nay đạt 99,904 %;
- Công tác quản lý tài nguyên nước và khoáng sản đã được tăng cường và có nhiều chuyển biến tích cực; đã trình UBND tỉnh cấp trên 218 giấy phép về tài nguyên nước; cấp gần 20 giấy phép hoạt động khoáng sản; hoàn thiện hệ thống quan trắc, giám sát nguồn nước; quản lý, kiểm soát các nguồn thải để bảo vệ tài nguyên nước; đảm bảo khai thác, sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả; phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
- Công tác tuyên truyền pháp luật được ngành thực hiện thường xuyên qua việc tổ chức ký kết chương trình phối hợp hành động bảo vệ môi trường với các ngành liên quan và các tổ chức chính trị xã hội; tổ chức hội thảo, tập huấn về bảo vệ môi trường, về biến đổi khí hậu, tuyên truyền pháp luật về môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng; trên cổng thông tin điện tử của Sở. Cung cấp thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường được 19.955 hồ sơ, thu kinh phí nộp ngân sách khoảng 1.304.980 đồng.
- Công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đối với các dự án đầu tư được quan tâm thực hiện nghiêm túc. Từ năm 2015 đến nay, các dự án đầu tư mới đều được yêu cầu lập báo cáo ĐTM, hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường. Tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức thẩm định nghiêm túc, đảm bảo chất lượng trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt. Hàng năm, ngành chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện công tác kiểm tra, khảo sát, thống kê các nguồn thải và đánh giá tình hình thực hiện các nội dung của báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường của các dự án đã được phê duyệt, xác nhận. Đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở thuộc đối tượng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 01/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ khẩn trương hoàn thành việc xử lý ô nhiễm môi trường triệt để. Hiện có 193 dự án/cơ sở đã và đang đầu tư được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết.
- Để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường, công tác thanh tra, kiểm tra đã được quan tâm, duy trì từ thanh tra liên ngành đến thanh tra, kiểm tra định kỳ. Ngoài ra, những năm qua, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã thực hiện nhiều cuộc thanh tra chuyên ngành trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm túc việc thường trực tiếp dân; tiếp nhận, thẩm tra và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của các tổ chức và công dân (hàng năm Sở được giao thụ lý trên 220 vụ, việc). Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết đơn thư khiếu nại từng bước chấn chỉnh việc chấp hành pháp luật ngành, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự ở địa phương, tình trạng khiếu kiện trong đó có khiếu kiện kéo dài giảm dần.
- Thực hiện Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND ngày 13 tháng 02 năm 2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, Sở đã sắp xếp kiện toàn, hiện cơ cấu tổ chức, bộ máy gồm 04 phòng chuyên môn, 02 Chi cục và 04 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở (đã giảm 3 đơn vị trực thuộc; các chi cục và Trung tâm trực thuộc đã giải thể phòng, thực hiện chế độ chuyên viên). Ngoài ra, Sở đã thực hiện chuyển đổi Trung tâm Kỹ thuật TNMT thành Công ty Cổ phần Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang (theo Kế hoạch 39 năm 2017 của UBND tỉnh).